hành trình Tây Bắc - Vùng Tây Bắc rộng lớn, hùng vĩ được coi là ống kính muôn màu sắc bởi nơi đây rất lí tưởng cho khách thăm quan hòa mình với cuộc sống ginả đơn của người dân địa phương. Hãy lên Tây Bắc, để có thể trải nghiệm lối sống đã tồn tại hàng thế kỉ qua, để hòa mình cùng sự nhộn nhịp của các phiên chợ.
1. Chợ Đồng Văn, Hà Giang – “hoài niệm” một phiên chợ Cổ.
Ngay kể cả những người già nhất trong bản cũng không biết chợ Đồng Văn có từ bao giờ nhưng cứ Chủ nhật hàng tuần, người ta lại thấy dân quanh vùng, những người Hmông, Tày, Bố Y... lại đến đây để trao đổi, mua bán hoặc chỉ để vui chơi, giao lưu. Và chính những con người này đã tạo nên một phiên chợ độc đáo trên cao nguyên đá Đồng Văn.
Chợ phiên Đồng Văn bắt đầu trong sương mờ và luôn ẩm ướt bởi khí hậu đặc trưng của khu vực này. Ở thị trấn Đồng Văn, dù ngay giữa ngày hè thì lúc 5h sáng, trời vẫn se se lạnh, mờ tối và đầy hơi sương. Từ sáng sớm Chủ nhật, trên những con đường vào thị trấn Đồng Văn, những người dân tộc trong những bộ trang phục rực rỡ sắc màu đã lặng lẽ, bước nhanh đi về phía chợ. khách thăm quan không khó để bắt gặp những bà mẹ, phụ nữ vội vàng bước vội trong sương sớm. Đặc biệt, ấn tượng hơn cả với Lữ khách là những người mẹ gùi nặng trên vai, phía trước lại địu một em bé đang say sưa ngủ, thò đôi chân trần mũm mĩm ra ngoài. Đi líu ríu bên người mẹ này là một em bé cao đến ngang hông người lớn, mũi thò lò, chân đi ủng nhựa và cứ thấy người lạ là tò mò nhìn theo.
2. Chợ Bắc Hà, Lào Cai – “Phiên chợ nguyên sơ” vùng cao.
Chợ Bắc Hà là một chợ phiên tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, cách trung tâm thành phố Lào Cai khoảng gần 80 km. Chợ nổi tiếng vì còn giữ được nét nguyên sơ và mang đậm nét đặc trưng của các dân tộc vùng cao Việt Nam.
Chợ phiên Bắc Hà không đơn thuần chỉ là nơi mua và bán mà nó còn tập trung những tinh túy, nét đặc sắc văn hóa của người Mông, Tày, Nùng sống ở đây. Với người dân bản địa, đi chợ trở thành một sự kiện quan trọng. Cứ mỗi phiên chợ tới, hàng ngàn người lại dân nô nức lên chợ, không chỉ để mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn để ăn, để chơi. Ai nấy đều diện những bộ đồ đẹp nhất, chuẩn bị tiền bạc cho một ngày vui. Thậm chí, có những người đi từ ngày hôm trước đến trưa hôm sau mới đến được chợ.
Phiên chợ này bán gần như không thiếu thứ gì, từ quần áo đến đồ dùng hàng ngày đến trâu, chó, gà, lợn hay hoa quả, lương thực, thực phẩm đến nông cụ để sản xuất… Người dân coi đây như một ngày hội nhỏ. Vì thế mà khách thăm quan có thể dễ dàng thấy hình ảnh đàn ông say rượu nằm ở lều chõng hoặc gian hàng của vợ. Khi tỉnh dậy lại lục cục đi về, chuẩn bị cho những ngày làm việc tiếp theo trong tuần…
3. Chợ tình Khau Vai – “Phiên chợ ngoại tình” nổi tiếng Hà Giang.
Chợ tình Khau hay còn gọi là chợ “Phong Lưu” chợ có từ gần 100 năm nay. Chợ họp trên một quả đồi tại thôn Khau Vai, xã Khau Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang cách thành phố khoảng 200m, chợ chỉ họp một lần vào ngày 27 tháng 3 âm lịch hằng năm.
Theo tiếng địa phương thì Khau Vai có nghĩa là song mây ý muốn nói đây là vùng đất có nhiều cây song cây mây, cũng có ý nói tình cảm của đôi trai gái gắn bó, quấn quýt như cây song, cây mây trên các ngọn núivùng cao. Câu chuyện hôm qua và cuộc sống hôm nay như có cái gì đó hư hư thực thực, đã góp phần tạo nên sức lôi cuốn kỳ lạ về mảnh đất nơi đây.
Ban đầu chợ gần như không có người bán, người mua hàng hóa đúng nghĩa mà chỉ có một số người bán đồ ăn uống phục vụ cho những người về đây họp chợ. Vì đây là địa điểm để người ta tìm đến nhau, sau một năm, nhiều năm xa cách, chủ yếu là những người có tình duyên chắc trở, yêu thương nhau thực sự, nhưng lại không thể đến với nhau, nay mỗi người đều có duyên phận riêng của mình. Đúng ngày này, họ hẹn nhau về đây để tâm sự, thông báo cho nhau cuộc sống riêng của mỗi người, ôn lại những tình cảm xưa. Có nhiều đôi vợ chồng cùng nhau đến chợ; và rồi vợ đi tìm bạn của vợ, chồng đi tìm bạn của chồng, họ không hờn ghen, không bực bội, mà tôn trọng nhau, họ coi đó là sự linh thiêng, là bổn phận và là trách nhiệm trước cuộc sống tinh thần của người bạn đời. Vì vậy, chợ tình Khau Vai hay còn gọi là phiên chợ ngoại tình, là đêm chợ truyền thống của người dân tộc Mông.
Như vậy, mỗi phiên chợ tại mỗi vùng lại có một ý nghĩa nhân văn riêng và nó đã trở thành điểm hẹn văn hóa, nét đặc trưng cho mảnh đất vùng cao Tây Bắc nghèo khổ. Đi chợ vùng cao là một nét đẹp tinh tế để cảm nhận cuộc sống vất vả của các đồng bào dân tộc thiểu số song lúc nào họ cũng háo hức, chờ đợi một điều kì diệu nào đó. Hay đi chợ nhưng làm gì có kẻ bán người mua, đi chợ chỉ là nơi để cho các lứa đôi có tình duyên dang dở, hẹn hò nhau để động viên, an ủi nhau trong cuộc sống…
Thanh Huyền