Cốm Tú Lệ được chắt lọc từ những tinh túy của đất, trời cùng sự mộc mạc thô sơ của đồng bào dân tộc Thái. Từ xưa, mảnh đất dưới chân đèo Khau Phạ - thung lũng Tú Lệ đã nổi tiếng gần xa bởi giống lúa nếp tan quý hiếm, là nguyên liệu chính làm nên bao món ngon được mệnh danh “tinh hoa ẩm thực” của vùng đất này. Trong đó, đặc sản cốm Tú Lệ trứ danh bởi những hạt cốm mềm dẻo, thơm bùi, không chỉ mang đậm hương vị núi rừng mà còn ẩn chứa tình cảm mộc mạc của đồng bào các dân tộc nơi đây.
Cốm Tú Lệ được chắt lọc từ những tinh túy của đất, trời cùng sự mộc mạc thô sơ của đồng bào dân tộc Thái vùng Tây Bắc. Từ xưa, mảnh đất dưới chân đèo Khau Phạ - thung lũng Tú Lệ đã nổi tiếng gần xa bởi giống lúa nếp tan quý hiếm, là nguyên liệu chính làm nên bao món ngon được mệnh danh “tinh hoa ẩm thực” của vùng đất này. Trong đó, đặc sản cốm Tú Lệ trứ danh bởi những hạt cốm mềm dẻo, thơm bùi, không chỉ mang đậm hương vị núi rừng Tây Bắc mà còn ẩn chứa tình cảm mộc mạc của đồng bào các dân tộc nơi đây.
Dưới thung lũng êm đềm thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, vây quanh bởi ba ngọn núi Khau Phạ, Khau Thán và Khau Song, người dân từ lâu vẫn luôn tự hào về đặc sản nức tiếng gần xa mang tên cốm Tú Lệ.
Nếp tan, giống lúa đặc biệt làm nên cốm Tú Lệ. Ảnh: Kevin Faingnaert.
Mỗi năm chuẩn bị vào mùa cốm, người dân Tú Lệ lại tỉ mỉ chăm sóc từng bông lúa non từ khi mới bắt đầu khum ngọn đến lúc vào độ chín. Họ ra đồng từ sớm tinh mơ và lựa chọn những bông lúa to tròn, vừa đủ căng mẩy nhưng thân rơm vẫn còn xanh. Họ sẽ gặt chúng về khi còn đẫm sương đêm rồi sau đó tuốt bằng tay một cách kỳ công và cẩn thận.
Hạt lúa non tuốt xong sẽ được đem đi rang ngay để đảm bảo cốm khi ra lò vẫn giữ độ xanh ngon. Bếp rang cũng được chuẩn bị công phu, chảo rang thường là loại làm bằng gang đúc, khi rang để lửa nhỏ, đảo liên tục sao cho nóng đều, đợi nguội rồi mới đem đi giã. Có vậy, cốm mới giữ được độ mềm dẻo, thơm ngon mà không bị cháy.
Cốm phải được gặt đúng độ chín. Ảnh: Kevin Faingnaert.
Ở công đoạn giã cốm, chân người giã phải đều và nhịp nhàng để đảm bảo lực vừa phải. Đồng thời, một người khác dùng mảnh tre đảo thóc trong cối, khi thấy có trấu thì xúc ra sảy bỏ rồi lại giã tiếp.
Tại đây, cốm thường được ăn cùng với chuối chín hoặc dùng để nấu cháo vịt, xôi nếp, chè, hay nêm với các món nem rán, tôm rán, thịt chiên tạo nên nét đặc biệt hấp dẫn của ẩm thực Tú Lệ. khách thăm quan đến đây nhất định phải nếm thử món đặc sản này.
Để thưởng thức trọn vẹn món đặc sản của vùng đất này, hãy đến với Tú Lệ mỗi độ thu về, Lữ khách sẽ thấy rộn ràng thung lũng Tú Lệ chuẩn bị cho mùa cốm duy nhất trong năm. Họ cùng nhau làm ra thức quà thơm ngọt nổi tiếng của núi rừng Tây Bắc, gói ghém cẩn thận rồi mang làm quà khắp mọi miền gần xa.
Người dân Tú Lệ không chỉ coi món cốm như đặc sản, mà còn là hiện thân của văn hóa nơi đây. Cốm không chỉ có mặt trong những bữa ăn, trong nếp sinh hoạt hàng ngày mà còn xuất hiện trong các hoạt động văn hóa tín ngưỡng quan trọng, cốm được dâng lên tổ tiên để tri ân công lao khai phá mảnh đất Tú Lệ.
Các già làng coi cốm như một giá trị truyền thống thiêng liêng, người trẻ lưu giữ cốm như niềm tự hào về mảnh đất thần tiên vùng Tây Bắc, còn lũ trẻ sẽ vẫn tiếp tục lớn lên giữa hương cốm dịu thơm, trong trẻo của vùng Tú Lệ.
Người dân Tú Lệ không chỉ coi món cốm như một món đặc sản, mà còn là hiện thân của văn hóa sinh hoạt cộng đồng. Ảnh: dangtranquan.
Mùa cốm, mùa vàng đã về trên Tây Bắc, hương cốm mới theo gió dập dìu khắp bản làng Tú Lệ, bạn đừng bỏ qua cơ hội đến để tự mình cảm nhận bằng tất cả giác quan.