Vào giữa tháng 9 hay đầu tháng 10 sắp tới tại Mù Cang Chải “Người người, nhà nhà rủ nhau đi xem bà con dân bản xứ Núi gặt lúa”. Thậm chí còn có nhiều người đến đó trước cả thời điểm gặt lúa vài ngày, để tận hưởng cái không gian yên bình trong sắc vàng rực rỡ. Khác với những người đi thăm quan đơn thuần, những chuyên gia phượt thủ họ thường chủ động về thời gian hơn, ăn uống đơn giản hơn và hòa mình vào cùng thiên nhiên đất trời lẫn văn hóa vùng miền một cách thoải mái mà không bị gò bó. Còn nếu các bạn là những người thích đi ngắm cảnh theo kiểu tự túc, hay lần đầu tiên đi phượt tại Mù Cang Chải, thì một chút thông tin kinh nghiệm dưới đây sẽ hữu ích cho các bạn tham khảo.
Thời gian lý tưởng để lên Mù Cang Chải
điều này còn phụ thuộc vào hai yếu tố “Vị trí hiện tại của bạn và thời điểm mùa lúa chín”.
mùa lúa chín
Thường thì, mùa lúa chín hay được người ta nhắc khéo trong hai tháng 9 và 10, nhưng chính xác ra là giữa tháng 9 và đầu tháng 10. Tuy nhiên có những năm chỉ gần vào cuối tháng 9 thôi là “Biển vàng của bạn đã không còn, thay vào đó là những màu nâu từ đất”, bởi vì người dân bản họ gặt hái chỉ trong vòng có 1 tuần.
Thời gian chuyến đi
Mù Cang Chải là một huyện ở tỉnh Yên Bái thuộc vùng Tây Bắc. Nên địa điểm xuất phát của chúng ta sẽ có rất nhiều vị trí khác nhau. Nếu tình từ Hà Nội lên đến đó thì tầm 3 ngày là hợp lý, còn 2 ngày thì hơi cập dập vì đi lại rất là mệt, chưa kể cảnh vật thì lại chỉ xem được có thoáng qua. Với những bạn ở Thành Phố Hồ Chí Minh hay các tỉnh thành phía trong, thì cần phải cộng thêm thời gian bay ra Hà Nội.
Chốt lại, thời điểm để các bạn đặt chân lên mảnh đất Mù Cang Chải, theo Chương trình Tây Bắc thì nên đi vào “Trong tuần thứ ba của tháng 9”.
Phương tiện di chuyển lên Mù Cang Chải
Điều này cũng vậy, nó phụ thuộc vào nhu cầu và vị trí hiện tại của mỗi người, chúng ta sẽ lấy các khu vực xung quanh Hà Nội làm điểm xuất phát.
Tàu hỏa
Di chuyển bằng tàu hỏa từ Ga Hà Nội - Yên Bái: Mất khoảng 5 tiếng, rất an toàn trên đường đi, nhưng lại khá mệt mỏi, chưa kể điểm dừng chân sẽ là ở Yên Bái, và sau đó từ Yên Bái mới tiến dần lên Mù Cang Chải bằng các phương tiện khác.
Xe khách
Di chuyển bằng xe khách từ bến xe Mỹ Đình Hà Nội - Yên Bái: Mất tầm 6 tiếng, êm hơn tàu hỏa, điểm dừng chân cũng gần hơn. Thế nhưng phải đặt vé trước, trung bình mỗi nhà xe thường chỉ có 1 chuyến trong ngày.
Xe máy
Có lẽ chỉ dành cho những bạn ở xung quanh các tỉnh miền Bắc, còn với những bạn ở miền Nam thì bay ra Hà Nội cũng đã thấm mệt rồi, tốt hơn là sử dụng hai phương tiện ở trên. Mặc dù đi xe máy không quá mệt mỏi như đi bằng tàu hỏa hay ô tô, nhưng cũng cần phải cân nhắc một chút vì đường khá dài và khó đi, chưa kể trời tối cũng cần phải cẩn thận
Lựa chọn một nhà nghỉ hợp lý
Điều này có lẽ sẽ phụ thuộc vào quyết định của từng người theo lộ trình tham khảo - [Yên Bái - Thị xã Nghĩa Lộ -> Xã Tú Lệ -> Đèo Khau Phạ -> Mù Cang Chải -> Bản Lìm Mông]. Với Đèo Khau Phạ, khi di chuyển nhớ phải cẩn thận vì đường khó đi, chưa kể sáng sớm sương mù dày đặc.
Nhà nghỉ ở Yên Bái
Tiện nghi, sang trọng, bạn có thể nhờ chủ nhà nghỉ, liên hệ hộ đến các dịch vụ cho thuê xe máy với giá thỏa thuận. Và tất nhiên, từ Yên Bái bạn sẽ phải mất thêm một chặng đường nữa để đến với Mù Cang Chải.
Nhà nghỉ ở hai xã Nghĩa Lộ và Tú Lệ
Mặc dù không tiện nghi bằng trong tỉnh, nhưng được cái tiện lợi cho việc di chuyển đến các vị trí khác nhau. Đặc biệt ở Tú Lệ, chúng ta còn được thưởng thức “Nếp Tú Lệ, cốm Tú Lệ và Châu Chấu rang”.
Nhà nghỉ ở Mù Cang Chải
Không tiện nghi bằng hai bác trên, nhưng được cái có cảm giác lạ với kiểu nhà sàn Homestay. Nếu đi đông người, các bạn có thể đốt lửa trại gần đó, tốt nhất là hỏi chủ nhà cho chắc. Còn nếu ở hai xã trên mà đốt lửa trại, khả năng cao các cán bộ xã sẽ lập biên bản.
Xét về giá cả thuê phòng, thì nó tùy thuộc vào từng bối cảnh, nếu đang là mùa cao điểm thì giá sẽ nhỉnh hơn chút, chưa kể nó còn phụ thuộc vào nền kinh tế trong năm.
Tận hưởng những gì có trên Mù Cang Chải
Mục đích chính ngắn ngày của chúng ta là ngắm cảnh thửa lúa vàng ươm, tận hưởng vui chơi giải trí, chụp ảnh quay phim. Nếu ai có nhã hứng thì có thể hòa đồng cùng dân bản gặt hái, bó lúa hay đốt rạ.
Và đó, là một số hành trang để tiến đến Mù Cang Chải, đi xem lễ hội lúa chín. Lý do tại sao chúng tôi đề cập đến vấn đề đi lại, ngủ nghỉ nhiều hơn là cảnh đẹp. Bởi vì, đẹp hay không là do con mắt của từng người, chưa kể nếu chúng tôi liệt kê hết mọi thứ ra đây, thì còn gì là đi thăm quan nữa, chẳng khác nào “Phim chưa xem hết, nhưng nội dung đã biết hết”.