Mảnh đất Điện Biên không chỉ có những câu chuyện lịch sử gắn liền với những chiến công hiển hách, nơi đây còn có một nền ẩm thực vùng cao đặc sắc với những món ăn cực kỳ độc đáo, có một không hai. Dưới đây là tổng hợp những món ăn đặc sản mà khách thăm quan không nên bỏ lỡ trong chuyến đi Chương trình Tây Bắc về với Điện Biên.
Bắp cải cuốn nhót xanh: người miền xuôi lên Điện Biên thường ấn tượng với món nhót xanh cuốn bắp cải, rau mùi, chấm với chẳm chéo nơi đây. Cho nên cứ truyền tai nhau rằng lên Điện Biên phải tìm bằng được ăn món “chẳm chéo”. Tuyệt chiêu hút khách của món bắp cải cuốn nhót xanh chính là “chẳm chéo”.
Xôi nếp nương: Gạo nếp nương nổi tiếng thơm ngon với những hạt nếp căng tròn, mềm dẻo. Cách đồ xôi nếp nương khá công phu, gạo nếp phải được ngâm trong nhiều giờ liền khi đồ xôi mới không bị sượng. Xôi phải được đồ trong chõ gỗ đặc biệt của dân tộc, chín bằng hơi, mềm dẻo chứ không dính tay, qua hai lần đồ mới dẻo thơm.
Bánh dày Điện Biên: Cũng được làm từ gạo nếp nương, bánh dày Điện Biên được chế biến rất công phu bởi các công đoạn làm bánh đều phải làm thủ công. Nếp sau khi đồ phải dùng tay giã nhuyễn rồi mới gói bằng lá dong rừng. Bánh dày này có thể ăn cùng với chả, giò, hay chỉ nướng trên than hồng hoặc chấm với chút mật ong rừng đều mang vị khó quên.
Chẳm chéo: là một loại gia vị độc đáo mà chỉ vùng đất Tây Bắc mới có. Chéo làm từ loại quả của cây mắc khén. Mắc khén là một loài cây dại thuộc họ hồi, có tinh dầu, khi đơm trái sẽ kết thành những chùm quả nhỏ li ti, tỏa hương thơm dịu. Người ta ví chéo như muối vừng của người Kinh. Dù khác nhau về nguyên liệu, nhưng ngay cách làm cũng có nhiều điểm tương đồng.
Sâu chít Điện Biên: là một loại sâu nằm trong thân cây Chít có đặc điểm là trắng sữa, căng mọng, rất ngon lành, sau khi bắt về đem thả trong chậu rượu nhạt, loại rượu này sẽ giúp cho sâu không bị biến đổi, sau đó được ngâm làm rượu hoặc cũng có thể đem nấu cháo. Đây là món rất nổi tiếng và được tiêu thụ rất mạnh ở vùng xuôi bởi hàm lượng dinh dưỡng trong sâu rất cao, rất tốt cho sức khỏe, và lại rất ngon.
Thịt trâu khô gác bếp: Để làm món thịt trâu ngon, người ta phải lọc cẩn thận hết gân, lọc sạch bạc nhạc, sau đó thái miếng dọc thớ rồi ướp với hỗn hợp gia vị gồm sả, gừng, tỏi, ớt khô băm nhỏ, mắc khén giã nát rồi để khoảng 2-3 tiếng, sau đó lấy que xiên và sấy trên than củi, để xa cho thịt chín từ từ, chín đều. Thịt được sấy cho đến khi vừa chín để không làm mất vị ngọt của thịt. Khi ăn, người ta hay cho vào chõ hấp lại khoảng 30 phút.
Gạo tám Điện Biên: Không biết có phải do rừng, do đất, do nước sông Nậm ngấm vào hay không mà gạo tám Điện Biên lại ngon đến thế. Gạo tám Điện Biên nhìn vào là thấy khác, đều, căng bóng, hạt nhỏ, màu đục chứ không trắng như gạo tám thường. Chưa cần nấu thành cơm đã thấy mùi vướng vất. Cơm gạo Điện Biên dẻo như cơm nếp, thơm thoang thoảng, khi nhai có vị đậm…